Giỏ hàng

Giải mã bài toán quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối khu vực phía Bắc

Hiện nay, mạng lưới chợ đầu mối nông sản (ĐMNS) khu vực phía Bắc tập trung nhiều nhưng hoạt động còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng tính chất của chợ đầu mối nông sản. Vậy, tại sao lại xảy ra bất cập đó và tồn tại đến nay? Khâu đầu tiên trong xây dựng là quy hoạch mạng lưới chợ, liệu rằng đã hợp lý?

Miền Bắc vừa là nơi sản xuất nông nghiệp lớn vừa là nơi tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Theo thống kê, hiện nay toàn khu vực có khoảng 15 chợ đầu mối nông sản với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có một chợ đầu mối nông sản cấp vùng để làm nơi trung chuyển nông sản giữa các tỉnh. Và Hà Nội, vẫn được xem như một điểm trung chuyển nông sản cho toàn vùng.

Qua kết quả khảo sát các chợ đầu mối khu vực phía Bắc, sai lầm đầu tiên đó là quy hoạch chợ không phù hợp với quy luật phát triển kinh tế - xã hội, điển hình tại Hà Nội, chợ đầu mối Long Biên được hình thành khá sớm dưới hình thức là chợ dân sinh, do vậy việc quy hoạch và phát triển chợ thành chợ đầu mối là không phù hợp. Tham khảo ý kiến của một số tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Long Biên được biết, việc kinh doanh hiện tại không giống như ngày trước, nếu trước đây diện tích của họ là vừa đủ với nhu cầu, lượng xe lưu thông thì bây giờ lượng người tham gia mua bán tại chợ ngày càng đông, trong khi diện tích chợ hiện tại quả nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu và chợ cũng không có khả năng mở rộng do nằm trong khu vực dân cư đông đúc, gần bến xe, ga xe lửa,… do vậy tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, không đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực chợ.

Bất cập chợ đầu mối Long Biên trong khu vực đông dân cư, dưới ga xe lửa,...

Nhắc đến bài toán quy hoạch chợ đầu mối, không thể không nhắc đến chợ đầu mối phía Nam – chợ Đền Lừ thuộc địa phận quận Hoàng Mai sau hơn 10 năm hoạt động vẫn chưa thể hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ mà những nhà quy hoạch phác thảo. Đoạn đường dẫn vào chợ khá hẹp, lưu lượng xe và người qua lại nhiều nên thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Mặc dù tại chợ này hàng ngày thu hút một lượng lớn nông dân, tiểu thương đến tham gia mua bán, trong đó hầu hết là những hộ kinh doanh cố định theo tháng. Tuy nhiên, họ cũng không có kiost kinh doanh kiên cố, đa số hoạt động kinh doanh diễn ra ngoài trời, trong khuôn viên chợ.

Khi được lấy ý kiến về tiêu chí cần thiết và thực tế để quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản, đa số các tiểu thương bày tỏ nhu cầu cần một chợ đầu mối có quy mô đủ lớn, từ 20 ha trở lên so với nhu cầu hiện tại của họ và đảm bảo nhu cầu tương lai; vị trí xây dựng chợ ĐMNS cần xem xét đảm bảo lợi thế thương mại, cần giáp các tuyến đường, đầu mối giao thông chính, thuận tiện cho xe có trọng tải lớn lưu thông.

Việc quy hoạch xây dựng chợ ĐMNS hợp lý và hiệu quả, không những tạo ra lợi thế cạnh tranh, giao thương kinh tế cho toàn khu vực miền Bắc mà còn đảm bảo được sự phát triển kinh tế - xã hội, kết nối - phát triển nông sản Bắc – Nam.