Giỏ hàng

Bao giờ hải sản miền Bắc "thoát mác" hàng xa xỉ?

Với người dân miền Bắc, nguồn cá từ biển Quảng Ninh và biển miền Trung là nguồn hải sản chủ lực. Tuy rằng, sản lượng thủy sản đánh bắt toàn vùng chiếm hơn 48% cả nước (số liệu thống kê năm 2017), ngoài ra còn có sự "góp mặt" của bạn hàng Trung Quốc, nhưng đối với hải sản vẫn là món ăn có phần xa xỉ trên mâm cơm của hầu hết các gia đình trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, toàn miền Bắc hiện đang có 2 chợ đầu mối chuyên doanh thủy hải sản (tại Ninh Bình và Thái Bình), định hướng xây dựng thêm tại Quảng Ninh. Ngoài ra, thủy sản cũng có mặt trong một số chợ đầu mối nông sản tại Hà Nội. Vậy tại sao người dân có thu nhập trung bình đến khá tại miền Bắc vẫn khó khăn khi "móc ví" mua một bữa hải sản?

Từ cảng đến chợ, giá cá tăng gấp đôi

Ngư dân bán rẻ

Từ 3h sáng, tại chợ cá Bến Do (Quảng Ninh) - còn có tên gọi khác là chợ Lội do tàu thuyền không thể cập bờ, hàng tấn hải sản đã đổ về tươi rói, kẻ bán người mua tấp nập. Thời gian từ lúc đánh bắt đến lúc vận chuyển vào chợ chỉ vài giờ nên hầu hết tôm cá đều rất tươi ngon. Các thương lái tập trung lấy hàng để kịp đưa về các chợ nhỏ, cá chuyển từ tàu chuyển xuống được bán với giá rất rẻ, có khi chỉ bằng phân nửa so với giá bán lẻ ở chợ hay siêu thị. Loại cua đá đặc sản có giá khoảng 70.000 đồng/kg, cá mối khoảng 22.000 đồng/kg, cá duội 37.000 đồng/kg, cá thu 130.000 đồng/kg, thấp hơn bình quân ở các chợ khác từ 20-30%.

Còn tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) - nơi tập trung của hầu hết tàu đi biển dài ngày vùng biển miền Trung, "chủ nậu" là đầu mối tiếp nhận hàng lớn nhất và duy nhất của các tàu cá lớn. Vừa cập cảng, các thuyền viên chở cá vào tận vựa cá "đầu nậu" rồi xem chủ hàng cân đo, đong đếm; sau đó lấy tiền, chứ không thể bán cho ai khác.

Người tiêu dùng mua đắt

Giá bán buôn có lúc lên lúc xuống nhưng điểm chung là rất rẻ so với giá bán lẻ.

Khảo sát giá tại một số siêu thị, vựa hải sản tại Hà Nội cho giá trung bình cá mối khoảng 80.000 đồng/kg, cá thu từ 180.000 đồng/kg, đặc biệt cua đá có giá lên tới 350.000 đồng/kg. Cao hơn nhiều lần so với giá tại cảng.

"Hàng gì mà chả là của Trung Quốc"

Nằm sát đường vành đai 3, chợ cá Yên sở có diện tích gần 1ha, được xem là chợ cá đầu mối lớn nhất Hà Nội. Ngoài các loại cá sông phổ biến được chuyển về từ các hộ dân xung quanh, chợ còn là nơi tiêu thụ một lượng lớn hải sản mà nguồn gốc được cánh lái xe tại đây tiết lộ: “Hầu hết các mặt hàng thủy – hải sản bán ở chợ đầu mối Yên Sở đều nhập từ Trung Quốc về, đâu phải bây giờ mới có mà đã diễn ra từ hàng chục năm nay rồi. Các ông xem, trong nước thì lấy đâu ra hàng giá rẻ như thế. Có cầu thì phải có cung thôi…”

Với giá gốc khi nhập chỉ 100.000 đồng/kg, nhưng khi về tới Việt Nam, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc ‘đội’ giá bán lên gấp 4 lần (400.000 đồng/kg), và khi tới tay người tiêu dùng thì lên đến 550.000 đồng/kg (tăng 4,5 lần).

Như vậy, người tiêu dùng đang phải ăn hải sản giá quá đắt so với giá trị thực, và hơn thế còn có xuất xứ không rõ ràng.

Làm gì để đưa hải sản về đúng vị trí?

Miền Bắc cần lắm một trung tâm phân phối hải sản quy mô lớn đáp ứng cả 2 tiêu chí: đưa hải sản về gần hơn với “đất liền”, và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để làm được điều này, ngoài việc rà soát các chợ đầu mối trên toàn vùng, hội doanh nghiệp cần một cánh tay tiên phong xây dựng một đầu mối chuyên doanh, rút ngắn quá trình từ biển lên bàn ăn, hạ giá thành, để toàn dân có thể sử dụng hải sản như một loại nhu yếu thông thường.