Giỏ hàng

Gạo Việt Nam vươn tầm thế giới

Để tôn vinh những đóng góp của nông dân, nhà quản lý và doanh nghiệp cho nền nông nghiệp và sự phát triển lúa gạo Việt Nam, tối ngày 18-12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Long An, Viện Kinh tế phát triển TP Hồ Chí Minh, Viện KT-XH TP Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long,... phối hợp, chủ trì tổ chức khai mạc lễ hội Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III và công bố Logo thương hiệu “Gạo Việt Nam”.

Theo Ban Tổ chức, tại Festival Lúa gạo lần này, có 1.058 đơn vị gian hàng của 612 địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày giới thiệu hàng hóa sản phẩm, thành tựu trên các lĩnh vực, sản phẩm: lúa gạo; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; máy móc, thiết bị, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy, hải sản; thương mại- dịch vụ; khu triển lãm của các doanh nghiệp nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao...

Bên cạnh các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo, Ban Tổ chức còn triển lãm con đường lúa gạo. Đây có thể được xem là điểm nhấn, mang ý nghĩa về sự phồn vinh, thịnh vượng, cây lúa, hạt gạo Việt Nam.

Trong khuôn khổ festival, có hai cuộc hội thảo: “Thực trạng xâm nhập mặn và khô hạn - Giải pháp ứng phó - Bảo vệ cây lúa - Phát triển của hạt gạo Việt Nam” và “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế”. Ngoài ra, Sở Công thương Long An còn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức “Chương trình bình ổn thị trường giữa các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh năm 2018.

Thương hiệu gạo quốc gia

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố thương hiệu (logo) gạo Việt Nam vào ngày khai mạc 18-12. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có thương hiệu gạo quốc gia, sau nhiều năm tham gia vào thị trường xuất khẩu thế giới.

Theo ban tổ chức, một trong những mục tiêu quan trọng của sự kiện là nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết đầu tư, phát triển ổn định và khẳng định thương hiệu sản phẩm lúa gạo Việt Nam đáp ứng xu thế thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam công bố thương hiệu gạo quốc gia của riêng mình, kể từ khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo ra thế giới từ năm 1989 đến nay.

Theo đó, để thực hiện bảo hộ, Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế sang hệ thống Madrid - hệ thống này được xây dựng trên cơ sở Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Cả hai văn bản này đều thiết lập một quy trình hành chính cho phép việc đăng ký thương hiệu ở nhiều quốc gia chỉ thông qua việc sử dụng một đơn đăng ký thương hiệu duy nhất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 về việc sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam và các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định được đặt ra.