Giỏ hàng

Phát triển chợ đầu mối - Giải bài toán “được mùa mất giá”

“Được mùa mất giá”, bài toán đã và đang tồn tại hàng chục năm qua trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cuối tháng 6/2018 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam” nhằm góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất trong nước... Hội thảo đã phần nào đưa ra chiến lược tháo gỡ được bài toán trên.


Ngày nay, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các dịch vụ kèm theo thì hoạt động của mạng lưới chợ nói chung, chợ đầu mối nói riêng vẫn tiếp tục thể hiện và khẳng định chức năng của mình trên thị trường.Nhằm phát triển hệ thống chợ đầu mối theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tổ chức hoạt động chợ đầu mối để giải quyết phần nào bài toán “được mùa mất giá”, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương tại Hội thảo đã chỉ ra một số hạn chế còn đang tồn tại ở các chợ đầu mối Việt Nam, từ đó đưa ra phương hướng xây dựng, tổ chức phát triển hệ thống chợ đầu mối mới phù hợp và hiệu quả hơn.

Hiện tại trên địa bàn cả nước có hơn 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước, tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa (11 chợ); Quảng Bình (11 chợ); Hà Nội (6 chợ); tp.Hồ Chí Minh (3 chợ); Hưng Yên (4 chợ);... chủ yếu là hoạt động theo mô hình chợ đầu mối nông sản tổng hợp. Các chợ được hình thành và tập trung chủ yếu ở vùng có quy mô dân số tương đối lớn, có nhiều cơ sở tiêu thụ, vừa là đầu mối giao thông với kết cấu hạ tầng phát triển hoặc vùng sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn và cơ cấu đa dạng.

Trên thực tế, các chợ đầu mối tại Việt Nam đáp ứng được nhu cầu về không gian mua bán, lưu giữ hàng hóa trong ngày nhưng diện tích dành cho xây dựng hệ thống kho, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa còn hạn chế. Một số chợ có diện tích quá nhỏ và đã trở nên quá tải, nhất là vào thời điểm mùa vụ, làm hạn chế lượng hàng hóa và xe cộ lưu thông qua chợ. Đặc biệt, đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa,.... Các dịch vụ hỗ trợ mua bán như: ngân hàng, bảo hiểm, phân loại, bao gói, bảo quản sản phẩm hàng hóa, hầu như chưa được tổ chức và cung ứng phổ biến tại các chợ.

Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý về vấn đề kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ông Bùi Bá Chính - phụ trách Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia Việt Nam chia sẻ, hiện nay một trong những phương pháp quản lý hiện đại là sử dụng công ngh, trong đó có công cụ mã số, mã vạch nhằm giúp bảo vệ được nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trong việc xác định chất lượng, giá trị sản phẩm đúng như công bố. Tuy nhiên, hầu hết các chợ đầu mối chưa ứng dụng công cụ này do người sản xuất còn e ngại và hầu như chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại.

“Hiện chỉ có rất ít chợ đầu mối áp dụng việc truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ là chúng ta tuy đã có một số công ty có công nghệ truy xuất nguồn gốc 4.0 thực hiện ở Tp.Hồ Chí Minh và có nhiều chợ đầu mối đang sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ. Song các công ty này lại chưa thực hiện theo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu mà chỉ đơn thuần làm theo yêu cầu nhỏ lẻ của các doanh nghiệp”, ông Chính chia sẻ.

Tập trung phát triển chợ đầu mối hiện đại và chất lượng

“Chợ đầu mối hiện nay không những phải chú trọng phát triển về mặt số lượng mà đặc biệt cần chú trọng về mặt chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới. Bên cạnh việc mở rộng quy mô, chợ đầu mối cần chú trọng trong tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tăng cường các dịch vụ phụ trợ và các khu chức năng”, Vụ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Đặc biệt, từ kinh nghiệm thực tế phát triển các chợ đầu mối của các nước phát triển trên thế giới như Tây Ban Nha, Canada, phải xác định rõ chợ đầu mối là nơi dành riêng cho những nông trang lớn, các doanh nghiệp sản xuất nông sản, các hợp tác xã giới thiệu và bán hàng, tuyệt đối không dành chợ đầu mối cho thương lái truyền thống dùng để ép giá nông sản. Tại các chợ đầu mối cần phát triển hệ thống kho bãi đủ khả năng bảo quản nông sản lâu dài, hệ thống các nhà vận chuyển, xuất khẩu nông sản trong nước và ra nước ngoài. Cần minh bạch giá sản phẩm bằng các phiên đấu giá nông sản bằng cả phương thức truyền thống là đấu giá trực tiếp và đấu giá thông qua hệ thống Internet.

Theo chia sẻ từ Bộ Công thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai phát triển chợ đầu mối theo các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, bổ sung, tích hợp các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức đầu tư hoặc liên kết, hợp tác cùng đầu tư xây dựng (kể cả xây mới và nâng cấp mở rộng) và sau đó quản lý kinh doanh khai thác, vận hành và phát triển chợ đầu mối.