Giỏ hàng

Hà Nội giới thiệu chợ thương mại điện tử nông nghiệp an toàn

Ngày 6/12/2018, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND về việc phát triển Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020.

Trang web Chợ nhà mình www.chonhaminh.gov.vn (tiếng Việt) và www.myhomemarket.gov.vn (tiếng Anh)

Theo đó ứng dụng Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn là một công cụ thông tin toàn diện về thị trường hàng hóa bao gồm; mua và bán, thông tin tư vấn và thông tin chỉ đạo, Chính sách điều hành của Trung ương và địa phương về lĩnh vực thương mại thực phẩm, an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin về mặt hàng, nguồn hàng, nguồn cung, các quy trình sản xuất chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, thông tin về nhà sản xuất nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và phân phối sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và chế biến…; kiểm dịch, kiểm định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, tư vấn dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng,...Về triển khai xây dựng, vận hành Chợ Thương mại điện tử, theo UBND thành phố Hà Nội, tên Chợ Thương mại điện tử: Chợ nhà mình www.chonhaminh.gov.vn (tiếng Việt) và www.myhomemarket.gov.vn (tiếng Anh). Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ là đơn vị triển khai thực hiện.

UBND thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu: Đến năm 2019, sẽ triển khai mỗi quận từ 3-5 điểm giới thiệu Chợ Thương mại điện tử. Đến năm 2020 mở rộng phát triển trên các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đảm bảo 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội được giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, hỗ trợ thực hiện các nội dung giao dịch và thanh toán điện tử trên Chợ Thương mại điện tử. Phấn đấu đến cuối năm  2019, tối thiểu đạt được 10.000 lượt đăng ký thành viên và đến cuối năm 2020 có 30.000 lượt đăng ký thành viên.

Chợ thương mại điện tử được sử dụng để giới thiệu phương thức tiêu thụ thương mại online, kết nối người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng, bảo đảm người tiêu dùng thực hiện giao dịch mua sản phẩm nông nghiệp trên sàn điện tử, được tiếp cận với các loại thương mại bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có kiểm soát, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hàng hóa, sản phẩm thương mại được phép kinh doanh trên chợ là từ các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, tức các mô hình sản xuất đã được chứng nhận (Vietgap, HACCP,...), đã được thẩm định đủ các điều kiện để tham gia chợ.

Ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đối với các nội dung thuộc lĩnh vực triển khai xây dựng, vận hành quản lý chợ, các nhiệm vụ quản lý nhà nước, phân tích chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào chợ, công tác tuyên truyền, truyền thông, tập huấn kỹ thuật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định.