Giỏ hàng

Nông sản bị đội giá do đâu?

Người tiêu dùng, đặc biệt tại cái thành phố lớn tập trung đông dân cư luôn phải mua hàng nông sản với giá cao hơn gấp 3-4 lần so với giá người nông dân bán cho tiểu thương. Bên cạnh những nguyên nhân như do thời tiết thay đổi, nguồn cung khan hiếm… thì mỗi sản phẩm rau củ quả sẽ phải gánh thêm một số khoản chi phí khác được tính vào giá thành khiến nông sản bị đội giá.

Mỗi đêm, chỉ tính riêng tại Hà Nội, lượng hàng hóa đi qua chợ đầu mối đạt trên 500 tấn, chủ yếu là rau củ quả.

Một tiểu thương chuyên kinh doanh hành lá tại chợ đầu mối cho biết, mỗi đêm ông tiêu thụ khoảng 4 tạ hành, trừ chi phí còn lãi từ 400 – 600 nghìn đồng. Ông cho biết thêm, giá bán mỗi bó hành đã bao gồm phí vào chợ, điểm kinh doanh, phí vận chuyển… vào khoảng 25.000đ/5kg hành.

Đó là giá bán buôn, còn giá tới tay người tiêu dùng chắc chắn sẽ cao hơn số này. Thực tế, tại một số chợ dân sinh, hành tươi đang được bán với giá 15.000 – 25.000đ/kg. Mức giá này cao hơn 3 - 5 lần giá bán buôn, và chắc chắn còn gấp nhiều lần giá mà nông dân bán cho thương lái. Các mặt hàng nông sản khác cũng vậy, từ củ su hào, bó rau, hay hoa quả…

Theo quan sát, giá các mặt hàng rau củ quả tại khu vực thành phố luôn có sự chênh lệch khá lớn so với các địa phương khác. Quy luật điều tiết của thị trường cũng như những điều kiện về thời tiết là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá cả. Tuy nhiên, những chi phí khác cũng có ảnh hưởng không nhỏ, mà trực tiếp ở đây là nhiều khoản chị phí cho khâu trung gian.

Như vậy, từ vườn tới nhà bán lẻ là cả một quãng đường dài, giá từ đồng ruộng lên tới chợ đầu mối đã chênh nhau 15-20%, đến chợ bán lẻ khoảng cách này còn tăng mạnh hơn tới 40%.

Có thể nói, hành trình của mớ rau, con cá từ đồng ruộng của người nuôi trồng, đến chợ đầu mối, về sạp bán lẻ, rồi từ sạp bán lẻ tới bàn ăn là những nấc thang có sự cách biệt lớn về giá cả trong từng công đoạn.

Câu hỏi lớn được đặt ra, vậy phần chênh lệch này chảy vào túi ai? Câu trả lời chung, đối tượng ăn dày nhất chính là đội ngũ thương lái. Một nguyên tắc bất di bất dịch của thương lái là cho dù thị trường có ế ẩm, giá dù lúc rẻ lúc mắc nhưng những người đi thu gom hàng chẳng bao giờ chịu thiệt. Khi thị trường ế ẩm, họ ép giá nông dân, còn lúc khan hàng thì họ lại ép giá tiểu thương ở chợ.

Để khắc phục tình trạng đội giá nông sản này, “cắt ngắn” chuỗi tiêu thụ từ trang trại đến bàn ăn là bài toán khó cần được ưu tiên triển khai. Đặc biệt cần tập trung hỗ trợ xây dựng nhà phân phối lớn tại Việt Nam, tạo ra các đầu tàu và động lực phát triển... theo hướng gắn quy hoạch với phát triển sản xuất.