Giỏ hàng

Nông sản Hưng Yên: Không ngừng tìm kiếm nguồn tiêu thụ ổn định

Với thế mạnh địa hình và khí hậu nhiệt đới bốn mùa rõ rệt, nông sản Hưng Yên nổi tiếng vừa đa dạng vừa mang chất lượng cao. Sở hữu lợi thế vượt trội, song các sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên vẫn trong quá trình tìm kiếm nguồn đầu ra ổn định và bền vững.

Sản phẩm nông sản đặc trưng Hưng Yên

Tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn

Nhằm thúc đẩy sức tiêu thụ nông sản, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa, điển hình là các chương trình hội nghị, hội thảo, tuần lễ nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng đẩy mạnh những phương án tiêu thụ nông sản thông qua kênh tiêu thụ truyền thống, ký kết với trên 350 doanh nghiệp, siêu thị phân phối trong toàn quốc; Ký kết tiêu thụ đặc biệt mặt hàng nhãn với các thương lái Trung Quốc, đồng thời xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu.

Tuy nhiên, các chương trình này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn bởi còn thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối lớn. Chưa kể, tỉnh Hưng Yên còn thiếu các hộ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP nên hiệu quả kết nối chưa cao. Việc chưa khắc phục được tình trạng cá nhân, tự phát khiến nhiều người dân còn tự mở rộng diện tích, chưa áp dụng biện pháp sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm chưa cao, ông Nguyễn Văn Thơ – Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên nhận định.

Bên cạnh đó, do giá cả hàng hóa nông sản không ổn định trên thị trường nên tình trạng “được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá” vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở những hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Giải pháp tìm nguồn tiêu thụ nông sản ổn định

Đầu năm 2019, Sở Công Thương Hưng Yên tiếp tục lên phương án tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản thông qua các chương trình như Lễ hội tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên, Hội chợ Xuân 2019, Hội chợ Cam Hưng Yên,…Tại đây, nhiều đơn vị phân phối đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các DN, hộ gia đình trên địa bàn.

Cùng với các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, kết nối cung cầu, Sở Công thương cùng các đơn vị, cơ quan ban ngành sẽ phối hợp đảm bảo chuẩn bị tốt nguồn cung cấp các sản phẩm đủ về số lượng, tốt về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối và nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn hàng, tránh sự gian lận, trà trộn hàng giả, nhái, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm của tỉnh.

 Để hàng hóa ổn định trong khâu tiêu thụ, cũng như hạn chế tình trạng ép giá bởi thương lái thì xây dựng một địa điểm tập kết, buôn bán hàng hóa như chợ đầu mối có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất thời điểm hiện tại. Đặc biệt, chợ đầu mối sẽ là một lựa chọn cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ tìm đến, trực tiếp giao thương hàng hóa với các tiểu thương. Rút ngắn khoảng cách trao đổi, từ bỏ cách giao dịch truyền thống thông qua thương lái. Đảm bảo hàng hóa nông sản sẽ ổn định và bền vững.