Giỏ hàng

Tiêu thụ nông sản miền Bắc – bao giờ hết điệp khúc “giải cứu”?

Câu chuyện “được mùa, mất giá” và người dân cả nước chung tay “giải cứu” vẫn chưa bao giờ cũ đối với người nông dân Việt trong nhiều năm trở lại đây. Từ đầu năm 2018, danh sách nông sản “báo động”trải dài, điển hình có củ cải, su hào, khoai tây ở miền Bắc; ớt, dưa hấu, dưa leo ở miền Trung; mía, dứa, hay mít ở miền Nam. Hồ tiêu - từng được coi là vàng đen của Tây Nguyên - cũng rớt giá thảm hại và khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh vỡ nợ…

Nông sản đa dạng

Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, các tỉnh toàn Miền Bắc đều đã đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra định hướng phát triển trồng trọt các vùng.

Nhóm nông sản chủ lực của vùng Đông Bắc là chè, lúa gạo, ngô, khoai, cam quýt, vải, nhãn, quế, hồi…

Vùng Tây Bắc là ngô, đậu tương, chè, cây ăn quả ôn đới, nhãn, cà phê chè, lúa đặc sản...

Đồng bằng sông Hồng là cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp hàng năm với diện tích lúa khoảng 550.000 héc ta. 

Tuy nhiên, lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20% và vấn đề tiêu thụ luôn gặp nhiều khó khăn do vòng luẩn quẩn được mùa mất giá...

Vị đắng nông sản – vì đâu mà có?

Năm 2018 đi qua, dư luận chưa kịp “nguội” trước thông tin 20ha củ cải trắng, sản lượng 1.120-1.500 tấn, đang bị ứ đọng tại Mê Linh – Hà Nội, hàng tấn su hào Hải Dương không tiêu thụ được, đành ngậm ngùi vứt bỏ hoặc bán tháo với giá rẻ mạt, thịt lợn rẻ hơn rau tại hầu hết các tỉnh thành miền Bắc… thì mới đây, người dân lại điêu đứng trước chiến dịch giải cứu trứng, hay giá dứa đạt mức “rẻ kỷ lục” mà vẫn phải quay quắt tìm đầu ra để cứu vãn khỏi một mùa thất thu.

Người nông dân bất lực nhìn nông sản làm ra chất đống không tiêu thụ được

“Giải cứu” chỉ là phương án tạm thời, không thể tồn tại mãi khi cứ nông sản rớt giá là doanh nghiệp, cộng đồng “đưa vai chống đỡ” giúp người nông dân. Được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra... là vòng luẩn quẩn mà người nông dân Việt Nam luôn gặp phải. Theo các chuyên gia trong ngành, điểm yếu của nông sản Việt là khâu làm thị trường kém, cùng với đó là tâm lý “đám đông”, thấy mặt hàng nào được giá là đua nhau sản xuất phá vỡ quy hoạch dẫn tới thừa cung, chịu thua lỗ nặng.

Một sự thật không thể phủ nhận, phần lớn người nông dân thiếu thông tin về thị trường, nên dẫn đến tình trạng sản xuất đại trà, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hay bán tại các đại siêu thị, chỉ có thể cung cấp cho thị trường dễ tính như chợ truyền thống. Đến khi thị trường đó dư thừa thì nông sản của thành thứ ...đổ bỏ.

Trong câu chuyện tiêu thụ nông sản Miền Bắc, Trung Quốc có lẽ là nhân vật phản diện chính. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất, các thương lái của họ cũng rất chủ động trong việc đến tận địa điểm để mua. Tuy nhiên, nhiều khi các thương lái Trung Quốc tạo ra cơn sốt ảo rồi “dừng thu mua” để tạo ra làn sóng đầu cơ kiểu đa cấp.

Bao giờ nông sản… hết "đắng"?

Nông sản, đặc biệt là hoa quả tươi chỉ có giá trị trong 36 - 48 tiếng đồng hồ sau khi thu hoạch. Sau thời gian này, nếu không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp thì coi như hỏng. Với trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương cần phải xây dựng, kho bảo quản để trữ nông sản, góp phần điều chỉnh giá và phân phối hàng đến khắp các thị trường bán lẻ. Tôn chỉ đặt ra là “Chính quyền phải dẫn dắt người dân đi từ thắng lợi mùa vụ cho đến thắng lợi hợp đồng”.


Phát triển nông nghiệp nói không với "giải cứu" sẽ gắn liền với chợ đầu mối "chuẩn"

Để làm được điều đó, điểm mấu chốt của tiêu thụ là xây dựng các trung tâm nông sản, đặc biệt là các chợ đầu mối với giá thành hoạt động rẻ. Đối với doanh nghiệp là chung tay xây dựng mô hình hợp tác, đi theo suốt cuộc hành trình từ sản xuất đến tiêu thụ.

Sự chuyển mình một cách mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa về mọi mặt, bao gồm từ khâu sản xuất như: Quy trình, sản xuất sạch, lưu trữ đến việc chế biến đúng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu… là yếu tố quyết định giúp nông sản Việt thoát khỏi tình trạng phải “giải cứu” triền miên. Thực hiện các giải pháp trên không chỉ cần sự chung tay của nông hộ mà còn từ các tổ chức, những hiệp hội ngành nghề… điều mà ngạch tiêu thụ nông sản Việt vẫn đang thiếu.