Giỏ hàng

Tìm đường xuất khẩu bền vững cho nông sản miền Bắc

Chính sách siết chặt quản lý nhập khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới  yêu cầu hàng nhập khẩu phái có chất lượng cao hơn, nguồn gốc rõ ràng đang đẩy nông sản miền Bắc trước nỗi lo sụt giảm sản lượng ở nhiều thị trường.

Biến chuyển 6 tháng đầu năm về giá và sản lượng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 245,48 tỷ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,2%, tương ứng 8,21 tỷ USD so với tháng 6 năm ngoái.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam

Năm 2019, xuất khẩu nông sản Việt gặp nhiều khó khăn bởi nhiều thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật,.. siết chặt hàng rào kỹ thuật, đòi hỏi nông sản Việt phải nâng cao chất lượng nếu muốn tiếp tục tiêu thụ tại các thị trường này.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực

Những tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản nói chung tuy duy trì được đà tăng trưởng song chưa thực sự bền vững. Tín hiệu rõ nhất là nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đều sụt giảm đáng kể cả về giá trị kim ngạch và khối lượng, sự sụt giảm các mặt hàng này phần lớn là do tác động của các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.

Đơn cử từ tháng 6-2018 đến nay, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống (nhập khẩu gạo Việt Nam) như Philippines, Indonesia... hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.

Xuất khẩu miền Bắc quá phụ thuộc Trung Quốc?

Nhắc đến thị trường xuất khẩu nông sản phía Bắc không thể không kể đến vị “đại gia” Trung Quốc với 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam (thống kê 2018).

Một thực trạng phải đối mặt là nông sản của ta chất lượng chưa cao, không đủ tiêu chuẩn xuất đi các nước quy định kỹ thuật khắt khe như Nhật Bản, EU... Ngoài ra, doanh nghiệp thường không chú ý truy xuất nguồn gốc của hàng hóa nên việc xây dựng thương hiệu, nhãn hàng khi xuất khẩu dường như không có. Chất lượng sản phẩm không đồng đều, sức cạnh tranh kém… Ngay cả khi qua Trung Quốc, mặc dù đạt sản lượng lớn nhưng hầu hết đều được thực hiện theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng ràng buộc pháp lý giữa người bán và người mua nên dễ dẫn đến tình trạng đối tác phá bỏ hợp đồng.

Bản chất thực sự của con đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đều do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng. Bản thân doanh nghiệp Việt chưa hiểu rõ về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, thiếu thông tin và chưa chủ động khai thác thị trường mà phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc nên dẫn đến tình trạng hàng hóa bị rớt giá hoặc ứ đọng tại các cửa khẩu.

Miền Bắc cần tìm giải pháp “đường dài” cho xuất khẩu nông sản

Đầu tiên, để đưa được nông sản vươn tầm thế giới, ổn định hơn bền vững hơn trên hành trình xuất khẩu, nông dân cần cải thiện sản phẩm trên chính trang trại của mình. Người Việt hay đánh giá hàng hóa dựa về cảm quan, song người tiêu dùngthế giới không chỉ đánh giá cảm quan, mà còn đòi hỏi rất kỹ về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất. Xây dựng chuỗi nông sản an toàn là điều đang được triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ…

Thứ hai, doanh nghiệp phải đầu tư cho kỹ thuật sản xuất, công nghệ hiện đại trong chế biến, bảo quản… thay đổi tư duy để tiếp cận những thị trường khó tính hơn.

Cuối cùng, biện pháp bền vững và hiệu quả nhất hiện nay để giải quyết khó khăn về xuất khẩu nông sản cho miền Bắc chính là xây dựng một địa điểm tiêu thụ lớn, mang tầm quốc tế để nông dân miền Bắc chủ động mang sản phẩm đến bán, và người mua quốc tế chủ động đến thu mua. Đó chính là chợ đầu mối nông sản, thực phẩm quy mô lớn của miền Bắc.

Chỉ cần hợp nhất được các chợ đầu mối nông sản về một “mối” cùng hợp tác phát triển, Miền Bắc có đầy đủ cơ sở hạ tầng, vị trí thuận lợi để xây dựng trung tâm xuất nhập khẩu nông sản cả nước.