Giỏ hàng

Rào cản nào vẫn khiến nông sản an toàn khó "chen chân" vào siêu thị

Đưa nông sản vào siêu thị luôn là bài toán khó đối với các đơn vị chuyên môn và người sản xuất. Theo nhận định của giới chuyên gia, cần có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại.

Nhu cầu thị trường lớn, thậm chí được xác định là hướng đi nâng cao giá trị, song việc phát triển các chuỗi nông sản an toàn lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi nông dân sản xuất ra vẫn chưa có kênh tiêu thụ ổn định.

Phải chăng đây cũng là hệ quả của việc  sản xuất, phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết?

Bấp bênh đầu ra

Nông sản tại các tỉnh phía Bắc với lợi thế thiên nhiên ưu đãi nên chất lượng các mặt hàng nông sản nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, cam sành Hàm Yên – Tuyên Quang, gà đồi Yên Thế – Bắc Giang, cá sông Đà – Hòa Bình. Bên cạnh đó, nông sản tại các tỉnh  hiện đã hình thành nhiều vùng  sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nhiều nơi đã sản xuất rau quả hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng thuốc sinh học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Về quy trình sản  xuất chăn nuôi của các hợp tác xã theo mô hình khép kín từ sản xuất con giống tới giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm... đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dù vậy, lượng tiêu thụ nông sản an toàn tại giữa các tỉnh còn thấp. Ước tính trung bình chỉ khoảng 20-30% sản lượng nông sản của các tỉnh được tiêu thụ tại Thủ đô.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa hình thành được nhiều mô hình sản xuất lớn gắn với tiêu thụ. Ngoài ra, người tiêu dùng Thủ đô thiếu thông tin về nguồn gốc nông sản, nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm an toàn trên thị trường, trong khi hệ thống bán giới thiệu các sản phẩm  nông nghiệp an toàn còn nhỏ, sản lượng tiêu thụ ít.

Trong khi đó, nông sản bán tại các chợ truyền thống lại cạnh tranh hơn do lợi thế về giá và hệ thống phân phối.

Đẩy mạnh liên kết

Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, giải pháp quan trọng và cần thiết là xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản.

Cùng với đó, hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản dể đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh sự gắn kết chặt chẽ giữa: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Ngân hàng - Nhà phân phối, qua đó tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn một cách bền vững.

Xây dựng biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại cũng như đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển.

Cũng theo ông Phú, Về phía Bộ Công Thương  cũng cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về các tiêu chí mua hàng, nhất là tại hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như MM Mega Market, AEON, Big C, Lotte… qua đó cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, tiêu chí, cung cách cung cấp hàng hóa, giúp đẩy mạnh mối liên kết và tiêu thụ hàng hóa./