Giỏ hàng

Những điều cần biết về "cơn bão" hạn mặn ở miền Tây

Kênh rạch trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, con lộ nhỏ ở xóm ven biển Tiền Giang mỗi chiều tấp nập người dân xếp hàng chờ hứng nước ngọt, đây đều là kết quả từ “cơn bão” hạn mặn. Vậy hạn mặn là gì, nguyên nhân do đâu và hậu quả của nó đang để lại cho nhân dân miền Tây trong 2020 ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về thiên tai này.

Miền Tây đang trải qua đợt hạn mặn được coi là gay gắt bậc nhất lịch sử. Hiện tại, nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. 5 tỉnh miền Tây đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn bao gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.

Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngập mặn đến sớm, do đâu?

Theo nghiên cứu của các nhà khí tượng học, xâm nhập mặn là quá trình làm tăng độ muối trong nước nhạt và thu hẹp không gian của các thể chứa nước nhạt. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi cột thủy áp của nước ngầm hạ thấp xuống dưới mực nước biển, do thay đổi về điều kiện cân bằng nước ngầm tự nhiên hay do quá trình khai thác sử dụng nước ngầm quá mức khiến cho mực nước ngầm hạ thấp, dẫn đến sự dịch chuyển của biển mặn về phía đất liền.

Tuy nhiên, những năm gần đây các hiện tượng nhiệt độ tăng cao, ngập lụt, hạn hán, dông lốc, sạt lở bờ sông, nước biển dâng, khiến xâm nhập mặn xuất hiện không theo chu kỳ và tác động mạnh đến đời sống của người dân tại vùng chịu ảnh hưởng. Điều này cho thấy rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp và không còn là “kịch bản” nữa.

Dự báo độ mặn năm nay ở miền Tây có khả năng cao hơn trung bình của nhiều năm và cao hơn thiên tai năm 2016. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cho biết xâm nhập mặn đang rất gay gắt và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Không chỉ vậy, người dân miền Tây cũng cho biết bình thường phải qua tết Nguyên đán thì nước mặn mới xâm nhập nhưng mùa nước mặn năm nay đến rất sớm, có nơi từ tháng 11/2019. Năm 2016 được coi là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới có 1 lần thì năm nay hạn mặn đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.

Trung tâm khí tượng thủy văn cho biết, nguyên nhân lớn nhất khiến “cơn bão” hạn mặn ở miền Tây năm nay trở nên khốc liệt là do trong năm 2019 lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông rất ít vì bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Lượng mưa thấp kỷ lục này khiến nước đổ về hạ nguồn không nhiều. Cũng chính vì ít mưa nên dẫn đến việc các đập thủy điện dọc lưu vực sông Mê Kông phải tích nước cho đến khi đầy mới xả ra để phát điện. Điều này khiến lượng nước đổ về hạn nguồn là rất ít và tình trạng hạn mặn càng thêm nghiêm trọng.

Thiệt hại nặng nề

Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 2/3/2020 - Đồ họa: Tuấn Anh

Hiện tại, xâm nhập mặn trên địa bàn các tỉnh miền Tây đang diễn biến phức tạp. Theo đó, giữa tháng 12-2019, xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liền 40-50km, cao hơn năm 2016 khoảng 3-5km. Tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3-2020, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào đất liền 55-110km, cao hơn từ 3-7km so với năm hạn mặn lịch sử.  Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách cửa sông 60km; trên các tuyến sông nhánh, nội đồng, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn trung bình trên 2‰ ở hầu hết các huyện, thành phố. Theo thống kê, xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, cụ thể:

Tiền Giang hiện có hơn 36.000 ha vườn cây ăn trái, nguồn nước bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước từ các phương tiện vận chuyển với chi phí đắt đỏ. Mặn xâm nhập sâu đe dọa nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 800.000 dân trên địa bàn.

Tại Long An qua thống kê sơ bộ, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô khoảng 13.500 ha; gần 10.000 hộ dân sống phân tán đang bị thiếu nguồn nước sinh hoạt do ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Chính vì vậy, Bộ NN và PTNT cũng như các cơ quan chức năng có liên quan cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn nữa để có thể hạn chế thiệt hại ngập mặn gây ra cho người dân tại đây.