Giỏ hàng

Hà Nội quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối nông sản

Chợ không những đóng vai trò quan trọng trong giữ bản sắc của khu dân cư mà còn là động lực để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, xã hội. UBND TP. Hà Nội vừa ban hàng công văn liên quan đến việc quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nông sản trên địa bàn Thành phố. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất việc đầu tư xây dựng chợ đầu mối phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển trên địa bàn Thành phố.

Thực trạng bất cập trong quy hoạch chợ đầu mối

Thiếu quỹ đất xây dựng

Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn thành phố Hà Nội sẽ có 605 chợ, với 7 chợ đầu mối. Như vậy, trong kỳ quy hoạch phải thực hiện đầu tư xây dựng mới 176 chợ, trong đó phải thực hiện đầu tư xây dựng mới 5 chợ đầu mối. Nhưng sau 5 năm triển khai Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch bộc lộ nhiều vướng mắc. Tại một số phường, xã có quy hoạch xây dựng mới loại hình hạ tầng thương mại nhưng không bố trí được quỹ đất để thực hiện. Một số địa điểm được xác định cụ thể để xây dựng mới loại hình hạ tầng thương mại nhưng khi rà soát thì trùng vị trí với các công trình xây dựng khác hoặc không đảm bảo về khoảng cách theo các quy định chuyên ngành đến các công trình lân cận, dẫn đến việc thực hiện không khả thi. Các quy hoạch xây dựng được phê duyệt chưa chỉ rõ vị trí cụ thể từng loại hình hạ tầng thương mại dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi tìm hiểu thông tin và đề xuất thực hiện dự án.

Chợ đầu mối chưa phát huy hiệu quả

Về phân bố mạng lưới, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) diện tích 30.000m2, hiện có khoảng 1.000 hộ kinh doanh, với khoảng 250 tấn hàng hóa luân chuyển qua chợ mỗi ngày. Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) diện tích 23.400m2 với 468 hộ luân chuyển từ 200 đến 400 tấn hàng hóa mỗi ngày.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối. Cụ thể, chợ Long Biên có 627 hộ kinh doanh trái cây, nông sản, thực phẩm với lượng hàng hóa luân chuyển từ 150 đến 200 tấn mỗi ngày. Chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) có gần 100 hộ kinh doanh thủy sản, trung bình tiêu thụ từ 100 đến 150 tấn cá. Chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín) với trên 200 hộ kinh doanh luân chuyển 50 tấn gia cầm, thủy cầm qua chợ mỗi ngày. Chợ Nành (huyện Gia Lâm) có 1.133 hộ bán buôn vải, quần áo lớn nhất miền Bắc. Chợ đầu mối hoa Quảng An (quận Tây Hồ) có khoảng 300 hộ kinh doanh hoa, cây cảnh.

Theo Sở Công Thương, hoạt động của 2 chợ đầu mối và 5 chợ có tính chất đầu mối trên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thành phố, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Các chợ đầu mối này chủ yếu đảm nhiệm việc tập trung mối hàng từ các tỉnh phân phối cho thị trường Hà Nội và thị trường một số tỉnh lân cận, chưa đảm nhiệm chức năng xuất khẩu ra nước ngoài. Do quy mô phân phối còn nhỏ nên các chợ đầu mối này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường. Phần lớn hàng hóa tại chợ đầu mối chưa thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Quy hoạch và đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản Hà Nội

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, ngoài duy trì 2 chợ đầu mối hiện đang hoạt động, thành phố quy hoạch xây dựng mới 5 chợ đầu mối tại các xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) 30ha, Thạch Thán (huyện Quốc Oai) 20ha, Thanh Lâm, Kim Hoa (huyện Mê Linh) 30ha, Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên) 30ha, Cam Thượng (huyện Ba Vì) 30ha. Ngoài ra, theo Quy hoạch phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng mới 1 chợ đầu mối tại huyện Đan Phượng nhưng chưa xác định được vị trí, quy mô. Mặc dù hằng năm các chợ đầu mối đều được đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhưng đáng tiếc, số lượng doanh nghiệp quan tâm, đề xuất thực hiện dự án còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu mua bán, sinh hoạt của người dân.

Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã lập danh mục và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng chợ trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các chợ đầu mối. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, thúc đẩy thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và thực hiện đầu tư phát triển các khu chức năng nhằm hoàn thiện chợ đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh nông sản, hình thành hệ thống phân phối, thu mua theo hướng hiện đại tại các chợ.