Giỏ hàng

6 xu hướng tại thị trường thực phẩm Châu Á

Phát triển song song với quá trình bùng nổ kinh tế của châu Á, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo. Số liệu báo cáo cho thấy đến năm 2020, châu Á sẽ có đến 1,7 tỉ người được cho là trung lưu và tính đến năm 2030, con số này sẽ chiếm gần 2/3 dân số là trung lưu của thế giới.

“Các quốc gia có thu nhập cao hơn sẽ đối mặt với các nỗi lo như bệnh béo phì, suy giảm khả năng tự cung tự cấp thực phẩm nội địa và tăng nhận thức về các vấn đề bền vững. Tại các nước thu nhập trung bình thấp, trọng tâm sẽ là vấn đề suy dinh dưỡng và thiếu dinh dưỡng cũng như các vấn đề nguồn cung như tiệm cận năng suất trần. Ngay cả trong nội bộ các nước, bất bình đẳng thu nhập, chất lượng cơ sở hạ tầng và sự phân hóa thành thị – nông thôn sẽ tạo ra những quỹ đạo hệ thống thực phẩm khác nhau. Điều này đặc biệt đúng ở các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ – nơi các vấn đề bất bình đẳng đang tạo ra những khác biệt lớn trong nội bộ đất nước và giữa các thành phố”.

Xu hướng lớn trong các hệ thống thực phẩm châu Á

Phân phối và bán thực phẩm qua kênh kỹ thuật số

Tính đến tháng 11/2015, có khoảng 252 triệu người sử dụng internet trên khắp Đông Nam Á và con số này sẽ còn tăng khi mà chi phí tiếp cận internet xuống thấp hơn. Các công ty phục vụ cho thị trường trung lưu ở thế giới phát triển đang hướng đến châu Á và mang đến cho người tiêu dùng của khu vực này những sự chọn lựa đa dạng hơn qua kênh trực tuyến.

Các nhà bán lẻ thực phẩm và thực phẩm tươi sống cũng đang khai thác sự gia tăng của điện thoại thông minh và kết nối di động để cung cấp cho khách hàng thông tin về sản phẩm mà họ mua. Cuộc cách mạng 4.0 phá vỡ truyền thống bằng dữ liệu lớn, bằng khả năng cá nhân hóa từ dữ liệu đã thu thập, bằng chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ tự động hóa, và như thế, sản phẩm phải có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích khác nhau của mỗi cá nhân

Sự thống trị của đô thị hóa

Dự số thành thị của châu Á sẽ tăng thêm 578 triệu người và chiếm gần 50% tổng dân số thành thị toàn cầu đến năm 2030. Khoảng 75% dân cư thành thị châu Á sẽ tập trung tại Trung Quốc, Indonesia, và Ấn Độ.

Cùng với quá trình đô thị hóa, tiêu dùng thực phẩm tiện lợi dự báo sẽ tăng lên. Báo cáo mới đây cho biết nhập khẩu thực phẩm chế biến đã tăng hơn 100% trong giai đoạn 2005 – 2015. “Diễn đàn toàn cầu về Nông nghiệp và các hệ thống thực phẩm cho dinh dưỡng ước tính doanh thu sản phẩm chế biến sâu tại Đông Á và Đông Nam Á sẽ đạt mức tương đương các nước thu nhập cao đến năm 2035”.

Các nhà sản xuất sẽ cần đặc biệt quan tâm tới tính địa phương hóa để đảm bảo thành công cho sản phẩm. “Oreo chỉ trở nên được ưa chuộng tại Trung Quốc sau khi được điều chỉnh công thức bớt đường và bánh bơ tròn được thay thế cho bánh xốp. Người Indonesia lại ưa đồ ăn vặt ngọt hơn và đóng gói nhỏ”, báo cáo này dẫn chứng.

Phạm vi thương mại tăng lên, bán lẻ hiện đại và cạnh tranh nhập khẩu thực phẩm trong khu vực cũng được dự báo: “Sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu cho các nước có ngành nông nghiệp mạnh và các nước châu Á đều đang hướng đến tiêu dùng mạnh hơn các mặt hàng thịt, cá, dầu và đường sẽ bắt đầu phải cạnh tranh để nhập khẩu từ các nước xuất khẩu ngoài châu Á. Ngày nay, nhập khẩu các thực phẩm chính vốn đã phải phụ thuộc nặng vào các nước ngoài châu Á”.

Các khẩu phần ăn trở nên giàu năng lượng hơn

Khi Châu Á trở nên giàu có hơn, người dân cũng được cho là sẽ dịch chuyển sang chế độ ăn uống giàu năng lượng hơn nhưng phần nhiều lượng calories này sẽ đến từ protein, chất béo và đường thay vì các carbohydrates truyền thống. Xu hướng này cũng có thể được khuyếch đại nhờ tự do hóa thương mại.

Gánh nặng ngày càng tăng của bệnh béo phì

Tự do hóa cũng sẽ tác động tiêu cực tới tỷ lệ béo phì và tác động tích cực tới tỷ lệ suy dinh dưỡng. “Một mặt, tự do hóa thương mại có thể là một động lực tích cực lên các nước nơi nguồn cung thực phẩm không đủ và thiếu calorie là một vấn đề, nhờ tăng nguồn cung sẵn có thực phẩm. Mặt khác, thương mại có thể cũng khuyến khích tăng tiêu dùng thực phẩm giàu năng lượng, dẫn đến vài nghiên cứu đã chỉ ra các mối liên hệ giữa béo phì và tự do hóa thương mại”. Một xu hướng sản phẩm đang trỗi dậy trên thế giới phục vụ cho nhu cầu sức khỏe, đó là sản phẩm thay thế. Trái cây, rau củ được sử dụng để thay thế các sản phẩm ăn vặt truyền thống. Nguyên vật liệu giảm bột, giảm béo, giảm đường thay thế cho những loại nguyên vật liệu trước nay. Sữa bò nguyên kem được thay thế bằng sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa dừa. Sản phẩm thịt được thay thế bằng sản phẩm có nguồn gốc thực vật..

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ suy dinh dưỡng tại châu Á sẽ giảm phần nào từ nay đến năm 2030, nhưng “với tốc độ không đủ để chấm dứt hoàn toàn tình trạng thiếu dinh dưỡng”, theo mục tiêu Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc.

Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng của các quốc gia phát triển

Các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cho nông nghiệp tại châu Á dự báo sẽ tiếp tục tăng mặc dù với tốc độ thấp hơn mức lý tưởng. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ được cho là sẽ rất khác biệt giữa các nước châu Á do “những khác biệt về thể chế”.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với tính minh bạch và tính bền vững trong các hệ thống thực phẩm

Tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của các hệ thống thực phẩm đang ngày càng trở nên quan trọng tại cả các nước phát triển và đang phát triển châu Á.

Tại các nước đang phát triển như Việt Nam và Myanmar, người tiêu dùng lo lắng về an toàn thực phẩm do “thực phẩm không an toàn vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong”. Chỉ riêng nửa đầu năm 2018, các cuộc kiểm tra cho thấy hơn 68.000 doanh nghiệp vi phạm các quy định an toàn thực phẩm, Việt Nam có lý do xác đáng để lo ngại. “Các bê bối thực phẩm cũng làm tăng sự cảnh giác của người tiêu dùng. Hệ thống quy định tại phần lớn các nước đều trở nên khắt khe hơn, chủ yếu do ý thức người tiêu dùng tăng, tình trạng thiếu thực phẩm và năng lực kiểm tra thực phẩm tại địa phương tốt hơn”.

Tại các nước phát triển, các lo ngại về tính bền vững là động lực thúc đẩy sự cần thiết về tính minh bạch. “Các vấn đề bền vững đang bắt đầu thu hút thêm sự chú ý, bất chấp với tốc độ chậm, trong cộng đồng người tiêu dùng tại châu Á”. Xu hướng này cũng được thúc đẩy nhờ truyền thông mạng xã hôi, toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại.