Giỏ hàng

Chợ nông sản điện tử - hướng tiêu thụ hiện đại

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số ở các ngành nghề kinh doanh khác nhau, ngành nông nghiệp và phân phối sản phẩm nông nghiệp cũng đang dần thích nghi với xu hướng này. Theo đó, chợ nông sản điện tử dưới hình thức sàn thương mại trực tuyến được các chuyên gia nhận định là hướng đi mới giúp sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh trên thị trường và mở rộng thị phần; giải pháp tối ưu, tiện lợi tại các thành phố lớn; công cụ quan trọng để kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Nền tảng vững chắc cho thương mại điện tử ngành nông nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn phát triển và đã tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cụ thể, theo thống kê 2019, số người sử dụng internet tại Việt Nam đạt 64 triệu dân (tương đương 66% dân số), trung bình một ngày mỗi người chạm vào điện thoại hơn 150 lần; và số lượng người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động đã tăng đến 16% so với 2018…

Thị trường chợ nông sản điện tử Việt Nam

Tình hình sử dụng internet tại Việt Nam 2019 (Nguồn: WeareSocial và Hootsuite)

Trên thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực kinh doanh nông sản đang âm thầm diễn ra và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, cụ thể, tạo bước thay đổi đột phá từ những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ số.


TMĐT thế giới

Nguồn: Nielsen Global Connected Commerce Survey 2016

Xét riêng ngành hàng nông sản – thực phẩm, cách đây 4 năm, trên thế giới, tỷ lệ mua hàng trực tuyến cho hàng tiêu dùng thấp, chỉ 11% số người được hỏi đã mua thực phẩm tươi trực tuyến, nhưng các danh mục này có tiềm năng tăng trưởng rất nhanh khi tỷ lệ chấp nhận dần tăng lên. Đặc thù nông sản là sản phẩm dễ hỏng, tần suất cho các loại hàng cao hơn so với hàng hóa tiêu dùng khác.

Nhà bán lẻ trực tuyến nhìn ra thị trường ngách tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng, ít cạnh tranh và hưởng lợi từ mô hình bán hàng thường xuyên. Ngày nay, các sàn thương mại điện tử chuyên doanh nông sản đã trở nên phổ biến và dần lan tỏa sức ảnh hưởng tới Việt Nam. Dĩ nhiên, doanh nghiệp Việt không tử chối cơ hội hội nhập xu hướng thế giới, tiêu biểu là các website bán nông sản trực tuyến tại Hà Nội và TP.HCM được người tiêu dùng ưa chuộng: gcaeco.cn, chonhaminh.gov.vn, nongsandungha.com...

Đây cũng là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp phát triển hệ thống kênh phân phối trực tuyến, số hóa các gian hàng thực phẩm tươi, đóng hộp và liên kết hợp tác xã nông nghiệp, rút ngắn khoảng cách từ trang trại đến bàn ăn.

Chợ nông sản điện tử - hướng đi mới cho chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam

Ngày nay, người tiêu dùng Việt dễ nhận thấy có một sự bất tiện khi mua hàng tại các cửa hàng nông sản truyền thống là việc đi mua sắm thì luôn phải tự vận chuyển hàng hóa về nhà dù chúng nặng hay nhẹ, dù trời mưa hay trời nắng… Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ và năng động của chuỗi cung ứng hiện đại thì người tiêu dùng có quyền “lười” đi chợ hơn. Các cửa hàng nông sản đã có mặt trên chợ thương mại điện tử, và chỉ với một cú click, món hàng bạn đã chọn sẽ được giao hàng tận nơi đã trở nên quá phổ biến. Đây được kỳ vọng sẽ là kênh giúp người tiêu dùng được tiếp cận với các loại nông sản bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có kiểm soát, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Xu hướng mua tại chợ nông sản hiện đại

98% người tiêu dùng sử dụng internet đã từng mua hàng trực tuyến (Nguồn: Nielsen 2018)

Chợ nông sản điện tử đặc biệt có giá trị trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh Covid-19: hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp, tránh tụ tập nơi đông người như chợ và siêu thị. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm mua các loại thực phẩm thiết yếu chỉ cần 1 chiếc smartphone mà không cần phải bước chân ra ngoài.

Đối với các doanh nghiệp hay hợp tác xã nông nghiệp, đây cũng là một cơ hội để có thể tuyên truyền, quảng bá những thông tin lên mạng, đến với cộng đồng. Đưa những sản phẩm, dịch vụ chuẩn từ chất lượng đến giá cả đến khách hàng, đồng thời cũng có thể nhận lại những báo xấu, bình luận những điều mà khách hàng chưa hài lòng ở mỗi khâu, mỗi dịch vụ khác nhau.