Giỏ hàng

Nông nghiệp Việt Nam: Đối mặt thách thức lớn năm 2019

Nông sản Việt hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch trên 42 tỷ USD. Tuy nhiên, với thị trường nông sản có nhiều biến động, ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2019 này sẽ đương đầu với nhiều thách thức trong sản xuất và tiêu thụ.

Nông sản Việt phải cạnh tranh gay gắt

Năm 2018, xuất khẩu của nông lâm thủy sản Việt Nam đạt kỷ lục với hơn 40 tỷ USD, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2019 lại đang đối mặt với những khó khăn, sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tại thị trường nội địa, nhiều mặt hàng đang giảm giá, đầu ra khó khăn.

Diễn đàn tìm giải pháp cho nông sản Việt Nam năm 2019

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”, bộ trưởng Bộ NN PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Năm 2019 ngành nông nghiệp sẽ đương đầu với nhiều thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ nhất, nông nghiệp Việt chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Thứ hai, thách thức, nguy cơ còn đến từ biến đổi khí hậu. Việt Nam, là 1 trong 5 nước tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu. Môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Thứ ba, đến từ quá trình hội nhập sâu rộng. Việt Nam có xuất phát điểm thấp khi GDP bình quân đầu người mới đạt 2.574 USD, so với các nước có tiềm năng rất lớn về kinh tế, về khoa học kỹ thuật và bối cảnh thị trường mở là một sự cạnh tranh khốc liệt.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường

Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 đối với ngành nông nghiệp. Với chỉ tiêu phát triển ngành được giao đều cao hơn năm 2018 như: Tốc độ tăng trưởng GDP trên 3%, giá trị sản xuất trên 3,11%, kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD.

Theo đánh giá của ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), hiện nay, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường. 

Bộ NN-PTNT cũng cam kết sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung . Thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân, xây dựng các mô hình theo chuỗi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, đặc biệt là các chợ đầu mối với giá thành hoạt động rẻ... để thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cũng là những giải pháp quan trọng được Bộ NN-PTNN chú trọng triển khai.