Giỏ hàng

Việt Nam ngừng xuất khẩu gạo vì Covid-19

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo kể từ 0h ngày 24/3.

Xuất khẩu gạo Việt Nam

Thị trường thế giới diễn biến khó lường

Phó tổng cục trưởng Hải quan - Mai Xuân Thành đã ký điện gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu các loại. Chỉ đạo này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cũng theo bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc tạm dừng này là cần thiết bởi từ đầu năm 2020, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường. Bên cạnh sự phức tạp của các yếu tố khách quan, diễn biến thương mại gạo toàn cầu tiếp tục có phát sinh, tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đặc biệt gần đây một số nước nhập khẩu gạo lớn đều gia tăng sản lượng như Trung Quốc, Malaysia... điều này gây áp lực không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu gạo cũng như vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam.

Duy trì mức dự trữ lưu thông

Để đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, cũng như có biện pháp ứng phó rủi ro về giá, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã ban hành công văn đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về dự trữ lưu thông và bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước. Theo đó, đề nghị các DN duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa theo chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Gạo Việt Nam

Trước lo ngại về tình hình an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, Việt Nam vẫn bảo đảm đủ lương thực trong nước. Sở dĩ vậy là bởi với tình hình thời tiết hiện nay, diện tích canh tác lúa gạo năm 2020 của Việt Nam ước đạt 7,3 triệu hecta. Dù chịu ảnh hưởng của hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, sản lượng lúa gạo cả năm 2020 của Việt Nam vẫn sẽ đạt khoảng 43,5 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng và dự trữ lúa gạo cả nước dự kiến sẽ chỉ khoảng 30 triệu tấn. Do đó, việc thiếu lương thực được đánh giá là chưa có khả năng xảy ra.

Liên quan tới vấn đề này, cuối giờ chiều 24/3, Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ cùng ngày. Theo Bộ Công Thương, Bộ tiếp nhận phản ánh của một số DN đề nghị có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các DN. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cho biết vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Chính phủ về việc rút quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo

Theo Lê Nam, Báo kinh tế & Đô thị